Có rất nhiều ngành học cho phép bạn làm việc trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng mặc dù không theo học ngành liên quan. Giống như mọi doanh nghiệp khác, các vị trí công việc trong ngân hàng rất đa dạng. Chính vì vậy bạn có nhiều cách để đầu quân vào môi trường ngân hàng nếu thật sự yêu thích.
Nhắc đến ngành ngân hàng thì chúng ta hiểu được luôn đây là một trong những ngành luôn hot trên thị trường hiện nay. Hàng năm có hàng chục ngàn hồ sơ ứng viên đăng ký dự thi lựa chọn ngành ngân hàng làm bước đệm để phát triển sự nghiệp. Đặc biệt, mức lương trong ngành ngân hàng luôn nằm trong Top 10 ngành nghề có thu nhập cao nhất tại Việt Nam.
Nghe có vẻ khá là hấp dẫn phải không các bạn? Vậy làm thế nào để xác định ngành ngân hàng là mục tiêu phát triển sự nghiệp của mình, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên mới ra trường. Trong bài viết sau đây sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quan và rõ nét nhất.
Hội nhập và đặt mục tiêu rõ ràng cho bản thân
Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng ngân hàng là ngành đặc trưng và có độ biến động về nhân sự rất cao. Người lao động muốn được thăng tiến (lên lương, lên chức) thì đều phải trải qua một thời gian khá dài trong việc làm nghề, thậm chí là phải luân chuyển ít nhất một vài môi trường tương đương. Vì vậy, bạn cần xác định rõ mục tiêu rằng mình có thật sự yêu thích công việc này hay không, nếu có thì cũng phải đưa ra lộ trình phát triển bản thân ra sao. Một khung mục tiêu lý tưởng có thể hiểu theo các bước như sau:
“Hội nhập –> Học hỏi kinh nghiệm –> Thay đổi, gắn bó –> Thăng tiến”. (Ảnh minh họa)
Theo chu trình trên, bước đầu tiên quan trọng nhất đó chính là học hỏi kinh nghiệm. Vì thế, nếu có thể hãy chọn ngân hàng nào mà bạn có thể học hỏi được nhiều nhất. Đa phần những ngân hàng này thường là các ngân hàng lớn, sản phẩm đa dạng và áp lực cao có thể kể đến: nhóm “ông lớn” Big4 (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank); nhóm các Ngân hàng TMCP như VPBank, Techcombank, ACB, MSB, MB Bank… Lý do là vì ở đó, bạn sẽ có nhiều việc để làm, nhiều cái để va vấp cũng như cơ hội, từ đó kinh nghiệm sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc học hỏi được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào nhận thức của chính bản thân mỗi người. Nếu bạn xác định thời gian đầu trong khoảng từ 2 đến 3 năm là học hỏi thì thiết nghĩ không nên đặt lợi ích lên hàng đầu. Đặc biệt là đừng so đo “vắt chanh” hay nghĩ đến những thứ “bất công” có thể xảy ra với bản thân. Thay vì chán nản, nhụt chí thì hãy cố gắng nỗ lực tìm ra giải pháp thích hợp và kiên trì đến cùng. Khi kinh nghiệm đã đủ mà bạn không được đãi ngộ một cách thỏa đáng thì bạn hoàn toàn có thể chuyển sang ngân hàng hoặc môi trường khác.
Xác định tình hình thực tế
Nếu bạn là trụ cột gia đình, có gánh nặng về tài chính và cần phải “đủ sống” thì có thể loại bỏ ngay những ngân hàng có thu nhập thấp. Trường hợp có người thân, người quen làm việc trong ngân hàng nào đó mà muốn “lôi kéo” bạn về làm cùng, cũng đừng ngại việc không thích làm với người quen hay sợ làm với người lạ. Hãy giữ vững tinh thần làm thật tốt công việc và bám sát mục tiêu cá nhân của mình.
Nếu chọn ngân hàng, hãy giữ vững tinh thần làm thật tốt công việc và bám sát mục tiêu cá nhân của mình.
Một vấn đề nữa khá quan trọng đó là địa bàn và khoảng cách địa lý. Thoạt nghe thì có vẻ không liên quan nhưng thực sự đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến công việc của bạn sau này. Nếu ngân hàng tốt nhưng địa bàn xa xôi hẻo lánh thì mục tiêu “học hỏi” của bạn có thể bị hạn chế ở góc độ nào đó và ngược lại. Ở góc độ khác, nếu chọn nơi sầm uất nhưng quá xa, mỗi ngày bạn phải bỏ ra 1–2 tiếng chỉ để di chuyển đến nơi làm việc thì cũng nên cân nhắc. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần làm việc của bạn.
Cách lựa chọn khoa học là gạch đầu dòng những cái “được” và “mất” ở mỗi nơi bạn làm việc, sau đó cân đo đong đếm và lựa chọn. Tuy nhiên thực tế có những lựa chọn rất cảm tính và đôi khi người ta gọi nôm na là chữ “duyên”. Có duyên thì về với nhau, nên cũng đừng nên băn khoăn quá. Ngân hàng nào cũng được, mục tiêu hoàn thành hay không là do thái độ làm việc của bạn mà thôi.
Trong quá trình làm việc, một người làm việc khoa học sẽ luôn ghi chép những kinh nghiệm cá nhân của mình, tích lũy thành tài sản riêng của chính bản thân. Từ đó làm đòn bảy tiến đến các vị trí cao hơn cùng mức thu nhập tốt hơn. Thêm vào đó, trong giai đoạn tích lũy kinh nghiệm, nó sẽ giúp bạn hệ thống hóa được những kiến thức đã học một cách có logic và chuyên nghiệp hơn.
Môi trường làm việc hiện đại và năng động
Dù trong bất kỳ doanh nghiệp hay đơn vị nào, môi trường là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động.
Làm việc trong ngành ngân hàng là bạn được tiếp xúc với những vấn đề sôi động nhất của nền kinh tế (thị trường tài chính, tiền tệ). Bất cứ sự kiện kinh tế nào cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường này và ngược lai. Mọi sự thay đổi của thị trường tài chính tiền tệ như lãi suất, tỷ giá đều tác động đến các hoạt động kinh tế khác như đầu tư, ngoại thương, trái phiếu hay chứng khoán… Chính những yếu tố này khiến cho bạn có cảm giác luôn luôn được ở chính giữa vòng chuyển động của nền kinh tế.
Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng ngày nay vừa là điều kiện thuận lợi để bạn có cơ hội làm việc, vừa là sự thử thách cho những nỗ lực vươn lên của bản thân. Bạn phải luôn luôn học hỏi, cập nhật thông tin, hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ để tránh bị lạc hậu hay đào thải. Một sự nghiệp lâu bền chỉ đến với những người có đam mê nghề nghiệp thực sự và có lòng chân thành, nhẫn nại.
—————***—————
Cập nhật liên tục các thông tin về tuyển dụng ngành ngân hàng:
- Group: U&Bank – Học & làm nghề Ngân hàng
- Fanpage: U&Bank| UB Academy
- Website: Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ ngân hàng & Hành chính công
- Forum: Cộng đồng ngành Ngân hàng