Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tổ chức thi tuyển công chức loại D năm 2022 vào làm việc tại NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, cụ thể như sau:
1. Số lượng, vị trí việc làm cần tuyển dụng
TT | Vị trí việc làm | Số lượng |
01 | Nhân viên Kiểm ngân | 01 |
02 | Nhân viên lái xe | 02 |
2. Đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển
2.1. Điều kiện, tiêu chuẩn chung: Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:
– Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
– Nam: Từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ;
– Có phiếu đăng ký dự tuyển theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ;
– Trình độ văn hóa: có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông.
– Có văn bằng, cứng chỉ đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí dự tuyển.
2.2. Tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu vị trí việc làm
2.2.1 Vị trí dự tuyển: Kiểm ngân
– Có bằng tốt nghiệp Trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành: Tài chính, ngân hàng, kinh tế.
– Có chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh) với trình độ tương đương bậc 1 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh) trình độ A trở lên cấp trước ngày 15/01/2020 theo quy định tại Thông tư số 20/2019/TT-BGDĐT ngày 26/11/2019 và Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 06/6/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Có chứng chỉ Tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/03/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Hoặc Chứng chỉ tin học văn phòng hoặc chứng chỉ tin học trình độ A trở lên được cấp trước ngày 10/8/2016 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/06/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực ngày 10/08/2016 hoặc chứng chỉ tin học tương đương có giá trị theo quy định.
2.2.2 Vị trí dự tuyển: Nhân viên lái xe
– Có bằng lái xe hạng D trở lên đang được phép sử dụng được cơ quan có thẩm quyền cấp;
– Không có tiền án, tiền sự;
– Có kinh nghiệm lái xe ô tô tải có tải trọng từ 5 tấn trở lên.
– Có khả năng và kinh nghiệm lái xe trên các địa hình.
2.3 Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:
– Không cư trú tại Việt Nam;
– Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
3. Ưu tiên trong tuyển dụng
3.1. Đối tượng và điểm ưu tiên thực hiện theo quy định tại Điều 5 Mục 1 Chương II của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, cụ thể như sau:
“1. Đối tượng và điểm tru tiên trong thi tuyển công chức:
a, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
b, Người dân tộc thiểu số, sĩ quan Quân đội, sĩ quan Công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyên ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cở sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2,
c, Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.”
Lưu ý. Trường hợp người dự thi tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên theo quy định nêu trên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2.
4. Hồ sơ dự tuyển
(i) Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 hoặc có thể tải xuống từ website của Ngân hàng Nhà nước theo địa chỉ www.sbv.gov.vn (Mẫu phiếu và Hướng dẫn ghi phiếu tại Phụ lục I).
(ii) Bản photo: Các văn bằng, chứng chỉ theo quy định; Bảng điểm kết quả học tập của từng bậc đào tạo phù hợp với vị trí dự tuyển.
(iii) Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức (nếu có).
– Các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
Lưu ý:
Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng nếu nộp sau ngày hết hạn thu hồ sơ thì không được cộng điểm ưu tiên theo quy định.
Trường hợp người trúng tuyển không hoàn thiện đủ hồ sơ tuyển dụng theo quy định hoặc có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc bị phát hiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định để tham gia dự tuyển thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long ra quyết định hủy bỏ kết quả trúng tuyển.
Trường hợp người đăng ký dự tuyển có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định để tham gia dự tuyển thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và không tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển một kỳ tuyên dụng tiếp theo.
5. Hình thức và nội dung thi tuyển
5.1 Hình thức tuyển dụng: Thi tuyển.
5.2 Thi tuyển công chức được thực hiện theo 02 vòng thi như sau:
a) Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung
– Hình thức thi: trắc nghiệm trên giấy
– Nội dung thi gồm 3 phần:
Phần 1: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội; quản lý hành chính nhà nước, công chức, công vụ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ngành lĩnh lực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của vị trí cần tuyển. Thời gian thi 60 phút;
Phần 2: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi (tiếng Anh theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút;
Miễn phần thi ngoại ngữ đối với các trường hợp: (i) Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển; (ii) có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc
làm dự tuyển do cơ sở nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định.
Phần 3: Tin học, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.
Miễn phần thi tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.
Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyến được thi tiếp vòng 2.
b) Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
– Nội dung thi: Kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
– Hình thức thi: Phỏng vấn. Riêng vị trí Nhân viên lái xe hình thức thi: Kết hợp phỏng vấn và thực hành.
– Thời gian thi: 30 phút (trước khi thi phỏng vấn, thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị).
– Thang điểm: 100 điểm.
* Ghi chú: Không thực hiện phúc khảo đối với hình thức thi phỏng vấn và thực hành tại vòng 2.
6. Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức
6.1. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có kết quả điểm thi tại Vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên. Trường hợp thi kết hợp phỏng vấn và thực hành thì người dự thi phải dự thi đủ phỏng vấn và thực hành;
b) Có kết quả điểm thi tại Vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Mục 3 (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
6.2. Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm thi Vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Mục 3 (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả thi Vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
6.3. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
7. Thời gian, địa điểm nhận hồ sơ dự tuyển và lệ phí dự tuyển
Thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi đường bưu chính theo địa chỉ dưới đây:
7.1. Thời gian nhận hồ sơ dự tuyển: Kể từ ngày 02/6/2022 đến hết ngày 01/7/2022, vào các ngày làm việc trong tuần (buổi sáng từ 8h30 đến 10h30; buổi chiều từ 14h30 đến 16h30).
7.2. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ:
– Phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ – NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, số 143, đường Lê Thái Tổ, phường 2, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Điện thoại liên hệ: 0270.3823298.
– Đối với thí sinh gửi hồ sơ qua đường bưu chính, việc đăng ký dự tuyển chỉ hoàn tất khi thí sinh nhận được email xác nhận đã nhận được hồ sơ và lệ phí dự tuyển của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long từ hòm thư điện tử: [email protected]
7.3. Lệ phí dự tuyển: 500.000 đồng/thí sinh/lần, quy định tại Thông tư số 92/2001/TT-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Lưu ý: Lệ phí nộp cùng hồ sơ. Hồ sơ và lệ phí đã nộp không hoàn trả.
8. Thời gian, địa điểm thi tuyển:
– Thời gian thi tuyển dự kiến trong tháng 7/2022.
– Địa điểm: NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, số 143, Lê Thái Tổ, phường 2, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
9. Đăng tải thông tin
Các thông tin sau sẽ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước tại địa chỉ http://www.sbv.gov.vn:
– Danh sách thí sinh đủ/ không đủ điều kiện thi tuyển; – Thời gian, địa điểm thi tuyển Vòng 1, phỏng vấn và thực hành Vòng 2; – Kết quả điểm thi và kết quả trúng tuyển.
Đề nghị thí sinh thường xuyên truy cập Website của Ngân hàng Nhà nước mục Tuyển dụng để cập nhật thông tin kịp thời.
Lưu ý: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long không tổ chức lớp ôn thi và không ủy quyền cho đơn vị khác tổ chức lớp ôn thi dưới mọi hình thức.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long trân trọng thông báo./.
Theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm sự an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 26 đơn vị trực thuộc, trong đó 20 đơn vị giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng trung ương, 6 đơn vị là tổ chức sự nghiệp.
Trên cơ sở Nghị định số 16/2017/NĐ-CP, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước như sau:
Vụ Chính sách tiền tệ: Tham mưu, giúp Thống đốc xây dựng chính sách tiền tệ Quốc gia và sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ theo quy định của pháp luật.
Vụ Quản lý ngoại hối: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật.
Vụ Thanh toán: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực thanh toán trong nền kinh tế quốc dân theo quy định của pháp luật.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín dụng ngân hàng và điều hành thị trường tiền tệ theo quy định của pháp luật.
Vụ Dự báo thống kê: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện công tác dự báo, thống kê theo quy định của pháp luật.
Vụ Hợp tác quốc tế: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác và hội nhập quốc tế thuộc phạm vi quản lý của NHNN theo quy định của pháp luật.
Vụ Ổn định tiền tệ – tài chính:Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện công tác ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN.
Vụ Kiểm toán nội bộ: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ hoạt động của các đơn vị thuộc NHNN.
Vụ Pháp chế: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.
Vụ Tài chính – Kế toán: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện công tác tài chính, kế toán, đầu tư xây dựng công trình của NHNN; quản lý Nhà nước về kế toán, đầu tư xây dựng công trình của ngành Ngân hàng.
Vụ Tổ chức cán bộ: Tham mưu, giúp Thống đốc, Ban Cán sự Đảng NHNN thực hiện công tác tổ chức và biên chế; quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chế độ tiền lương và các chế độ khác thuộc phạm vi quản lý của NHNN theo quy định của pháp luật.
Vụ Thi đua – Khen thưởng: Tham mưu, giúp Thống đốc quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Vụ Truyền thông: Tham mưu, giúp Thống đốc quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của NHNN
Văn phòng: Tham mưu, giúp Thống đốc trong công tác chỉ đạo và điều hành hoạt động ngân hàng; thực hiện công tác cải cách hành chính của NHNN; quản lý hoạt động văn thư, lưu trữ của ngành Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Cục Công nghệ thông tin: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực công nghệ thông tin trong phạm vi toàn ngành Ngân hàng và triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong NHNN.
Cục Phát hành và Kho quỹ: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương về lĩnh vực phát hành và kho quỹ theo quy định của pháp luật.
Cục Quản trị: Giúp Thống đốc thực hiện chức năng quản lý về tài sản công (không bao gồm tài sản đã giao đơn vị sự nghiệp tự chủ) được Thống đốc giao và công tác quản trị, phục vụ hậu cần của NHNN trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh gồm: quản lý tài sản, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo vệ, an ninh, trật tự an toàn cơ quan, chăm lo đời sống, sức khỏe cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Sở Giao dịch: Tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện các nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương.
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng: Cơ quan trực thuộc NHNN thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát chuyên ngành về ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của NHNN; Tham mưu, giúp Thống đốc quản lý Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; thực hiện phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.
NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Là các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN, có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn và thực hiện một số nghiệp vụ Ngân hàng trung ương theo ủy quyền của Thống đốc.
Viện Chiến lược ngân hàng: Đơn vị sự nghiệp Nhà nước trực thuộc NHNN, có chức năng nghiên cứu và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Ngân hàng; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngân hàng phục vụ cho yêu cầy quản lý Nhà nước của NHNN về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam: Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN; thực hiện chức năng thu thập, xử lý, lưu trữ thông tin tín dụng, đăng ký tín dụng; chấm điểm, xếp hạng tín dụng pháp nhân và thể nhân trên lãnh thổ Việt Nam; cung ứng sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro tín dụng và phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN theo quy định của pháp luật.
Thời báo Ngân hàng: Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN; là cơ quan ngôn luận, diễn đàn về xã hội và hoạt động ngân hàng, có chức năng tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động của ngành Ngân hàng theo quy định của NHNN và của pháp luật.
Tạp chí Ngân hàng: Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN; là cơ quan ngôn luận và diễn đàn về lý luận nghiệp vụ, khoa học và công nghệ ngân hàng, có chức năng tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, hoạt động ngân hàng và những thành tựu về khoa học, công nghệ của ngành Ngân hàng và lĩnh vực liên quan theo quy định của NHNN và của pháp luật.
Trường bồi dưỡng cán bộ ngân hàng: Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của NHNN và của ngành Ngân hàng.
Học viện Ngân hàng: Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học về lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân hàng và các ngành, chuyên ngành khác khi được cấp có thẩm quyền quyết định.